Liệu pháp gene có làm hồi sinh các thiên tài?

Các nhà khoa học đã có ý tưởng sử dụng liệu pháp gene để hồi sinh các thiên tài nhằm tìm lời giải đáp. Tuy nhiên, điều này có thể thực hiện trong tương lai?

Thiên tài đầu tiên được lựa chọn là ai?

Một cuộc tranh luận đạo đức gay gắt đang diễn ra xoay quanh việc nhân bản vô tính nhằm hồi sinh những nhân vật kiệt xuất trong lịch sử, với hy vọng những bộ óc thiên tài này sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề hóc búa đang ám ảnh nhân loại ngày nay. Nhân vật đầu tiên được những người ủng hộ dự án tham vọng này là Leonardo da Vinci - một nhân vật kiệt xuất của Ý dưới thời phục hưng. Ông là một bộ óc vĩ đại nhất mà thế giới từng biết đến. Tầm nhìn và những thứ ông làm vượt rất xa những người cùng thời khi đó.

Leonardo Da Vinci đã được biết đến là nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhạc sĩ, nhà khoa học, nhà toán học, kỹ sư, nhà phát minh, nhà giải phẫu học, nhà địa chất, nhà thực vật học và nhà văn... với những tác phẩm nổi tiếng và được lưu truyền lại qua lịch sử như “Người đàn ông Vitruvian”, “Bữa ăn tối cuối cùng” và “Nàng Mona Lisa”. Ngày nay, người ta lờ mờ nhận ra có đến hai con người trong Leonardo Da Vinci, một theo đuổi con đường tâm linh nơi có thượng đế trong khi con người kia đang mở mang tiền đề cho con đường khoa học vật chất hóa, các cỗ máy, những phát minh bắt đầu từ đây.Thiên tài Leonardo De Vinci

Thiên tài Leonardo De Vinci

Những khó khăn nếu muốn “hồi sinh” De Vinci

Theo thông tin từ Đại học Utah (Mỹ), việc nhân bản một cơ thể sống đòi hỏi sử dụng một gene duy nhất để sao chép chuỗi DNA. Tuy vậy, việc tìm ra mẫu mô của Leonardo De Vinci là một việc không hề đơn giản. Vị trí chính xác nơi đặt hài cốt của ông cho đến nay vẫn là một bí ẩn. Vào năm 1863, có báo cáo cho rằng ngôi mộ của ông đã được tìm thấy, nhưng sau đó đã được chuyển đến một tu viện ở làng Amboise, Pháp. Do hạn chế về trình độ công nghệ, các chuyên gia thời đó cũng không thể xác nhận di cốt này có thực sự là của Leonardo hay không?! Cách đây không lâu, một nhóm các nhà sử học người Ý đã công bố khám phá ra một loạt các di vật bị thất lạc thuộc về De Vinci, trong đó có thể bao gồm DNA của vị thiên tài thời kỳ phục hưng này.

Các chuyên gia cho biết, bằng cách nghiên cứu cẩn thận các bức tranh và sổ ghi chép từ thời kỳ phục hưng, họ có thể tìm thấy những sợi lông hoặc mảnh da, để từ đó chiết xuất dấu vết DNA của De Vinci. Điều này sẽ cho phép các nhà khoa học xác định được một số đặc tính vật lý như màu mắt, màu da và khuôn mặt của ông. Trao đổi với trang Gizmodo, Rhonda Roby, một nhà di truyền học của dự án nói rằng “có thể tìm thấy các vật liệu di truyền bên trong các bức tranh”, nhưng “thách thức đặt ra là làm cách nào để thu thập được chúng mà không làm hỏng tác phẩm”. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Daily Telegraph, Jesse Ausubel, Phó Chủ tịch Quỹ Richard Lounsbery cho biết: “Người ta biết rằng bên cạnh bút lông, Leonardo còn dùng cả ngón tay để vẽ và nhiều dấu vân tay như vậy còn sót lại, do đó có thể tìm thấy các mẫu tế bào biểu bì trộn lẫn cùng với màu sơn trong các tác phẩm của ông”.

“Hồi sinh” các thiên tài có được thực hiện trong tương lai?

Về mặt công nghệ, theo HealthAim cho đến nay nhân bản vô tính đã được thực hiện trên động vật. Boyalife Group, một công ty Trung Quốc đang tiên phong trong việc xây dựng nhà máy sản xuất nhân bản lớn nhất trên thế giới và đối tượng nhân bản là bò, chó cùng các loài động vật khác. Boyalife từng tuyên bố họ có thể nhân bản người. “Công nghệ đã có sẵn. Và nếu được phép, tôi không nghĩ có công ty nào khác có công nghệ tốt hơn Boyalife” - ông Xu Xiaochun, Giám đốc điều hành của Boyalife cho biết. Tuy nhiên cho đến nay sự phản đối từ công chúng khiến họ chưa thể làm được việc này. Trước thông tin cho biết việc tìm kiếm mẫu mô và công nghệ nhân bản vô tính là khả thi, một bộ phận bày tỏ ý kiến tán thành dự án, họ tin rằng việc nhân bản sẽ giúp hồi sinh những bộ óc kiệt xuất giúp giải quyết nhiều vấn đề nhức nhối đang dần hủy diệt nền văn minh nhân loại.

Tuy nhiên, ngược lại, rất nhiều người bày tỏ hoài nghi về trình độ công nghệ và phản đối kịch liệt dự án này do liên quan đến vấn đề đạo đức. Đa số cho rằng việc nhân bản vô tính người là không thể chấp nhận được dưới bất kỳ hình thức nào. Quá trình này từ trước đến nay có tỷ lệ rủi ro vô cùng cao. Ở động vật, chỉ khoảng 1% số cá thể nhân bản sống sót và ngay cả khi sống sót, chúng thường có sức khỏe rất kém và dễ chết yểu. Việc cho phép điều tương tự xảy ra với bào thai người là một điều đáng sợ và không thể chấp nhận được. Những nhà nghiên cứu tinh thần thì cho rằng con người không chỉ có thân xác thịt mà còn có linh hồn, tính khí, tính cách, những yếu tố mang tính chất phi vật lý. Chính vì vậy, việc nhân bản thân thể có thể thành công nhưng cá nhân đó sẽ không thể có được trí tuệ và tài năng như người thật.

Nguyễn Hưng

((Theo DM, Times))